Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 3 dự án cao tốc

Tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 3 dự án cao tốc với tổng chiều dài khoảng 247 km và tổng mức đầu tư khoảng 115,000 tỷ đồng. Các dự án gồm: Đường Vành đai 3 TPHCM và hai cao tốc trục ngang Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu. Tính chung trong cả nhiệm kỳ này, đến hết tháng 6/2023, cả nước đã đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc và đã khởi công, đang thi công 1,756 km cao tốc.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 76 km đi qua 4 địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần, mỗi tỉnh, thành phố thực hiện 2 dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Theo kế hoạch, Dự án đường Vành đai 3 TPHCM sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Trong giai đoạn hoàn chỉnh, Dự án được đầu tư quy mô 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 – 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h. Giai đoạn phân kỳ, Dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 – 3 làn xe), đầu tư không liên tục. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 75,378 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương.

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117.5 km, tổng mức đầu tư gần 22,000 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, do tỉnh Khánh Hòa, Bộ GTVT và tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.

Theo kế hoạch, dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài gần 54 km. Giai đoạn 1, Dự án được đầu tư quy mô 4 – 6 làn xe theo từng đoạn tuyến, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn hoàn thiện, tuyến cao tốc sẽ được mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe. Tổng mức đầu tư chung dự án là 17,837 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần do tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT  và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản. Theo lộ trình đề ra, Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.

Ba dự án này nằm trong chuỗi các dự án trọng điểm ngành giao thông được khởi công trong tháng 6/2023. Trong đó, Dự án Châu Đốc- Cần Thơ – Sóc Trăng vừa khởi công ngày 17/6; dự kiến ngày 25/6 sẽ tiếp tục khởi công Dự án đường vành đai 4 – Vùng Hà Nội với chiều dài hơn 112 km, tổng mức đầu tư hơn 85,000 tỷ đồng, cao tốc Cao Lãnh – An Hữu (nối Đồng Tháp – Tiền Giang) với chiều dài 27 km, tổng mức đầu tư gần 6,000 tỷ đồng, kết nối 2 tuyến cao tốc huyết mạch của vùng ĐBSCL.

Phát huy tối đa hiệu quả 3 cơ chế mới đặc thù

Theo Thủ tướng, điều đặc biệt của 3 dự án khởi công hôm nay là các dự án đều được áp dụng cơ chế đặc thù riêng có về: (i) Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, theo đó giao địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; (ii) Áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho các dự án kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương; (iii) Áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu thi công dự án, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị để triển khai dự án.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân của các dự án này là rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm ở các đô thị lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… Nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý của các cấp chính quyền, các địa phương đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, sự ủng hộ, chia sẻ của người dân nên công tác giải phóng mặt bằng của cả 3 dự án cơ bản đảm bảo tiến độ.

TOP