Thị trường bất động sản: Trong nguy có cơ
Trong bối cảnh thị trường BĐS đang “thấm đòn” Covid-19, có lẽ ngay ở thời điểm này rất cần những giải pháp tích cực để giúp thị trường hồi phục, phát triển ổn định.
Các chuyên gia, doanh nghiệp đã có những quan điểm, đánh giá, phân tích và đề xuất một số giải pháp cũng như góc nhìn lạc quan khi cho rằng: Ở bối cảnh thị trường BĐS đang “gặp nguy” thì vẫn còn rất nhiều cơ hội cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: “Nên kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp BĐS”
BÐS là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành nghề kinh doanh khác và là một trong những đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, tháo gỡ cho lĩnh vực này sẽ góp phần lan tỏa rất lớn. Việc cần làm là sớm triển khai nguồn hỗ trợ đến các doanh nghiệp BĐS.
Chủ trương đã có, nhưng công tác triển khai thực hiện chưa tốt sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách. Nhiều đơn vị kinh doanh BÐS đành “nằm im” chịu trận và rất mong ngóng bước đột phá trong chính sách hỗ trợ.
Bên cạnh gói hỗ trợ tổng thể của Chính phủ, Bộ đang tập hợp ý kiến của các bên để đề xuất các giải pháp hỗ trợ riêng cho BÐS. Trong đó, nghiên cứu đề xuất tăng cường, bổ sung thêm vốn cho nhà ở xã hội, tương tự như gói 30 nghìn tỷ đồng trước đây; đề xuất ngân hàng chính sách và thương mại được cấp bù lãi suất và khi nhà ở xã hội phát triển, sẽ thúc đẩy các thị trường khác, góp phần duy trì sự ổn định của thị trường BÐS.
Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức rất to lớn đối với ngành BĐS. Vì thế rất cần thiết, bổ sung DN BĐS thuộc đối tượng xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể, đề nghị xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp các sắc thuế nêu trên cho DN BĐS 1 năm, thay vì 5 tháng.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam: “Chính Phủ nên dành lối đi riêng cho bất động sản”
Một cách trực quan, bất động sản nằm trong nhóm ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp lớn nhất của dịch Covid-19. Trong giai đoạn dịch bệnh và trong bất kỳ giai đoạn nào khác, khó khăn trọng tâm vẫn nằm chủ yếu ở các vấn đề pháp lý và thay đổi về quy mô để thích ứng trong xu hướng dịch chuyển nhanh sang mua sắm trực tuyến.
“Về bản chất, doanh nghiệp nói chung đặt trọng tâm vào vấn đề lợi nhuận. Song ở giai đoạn dịch Covid-19, doanh nghiệp trong từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác nhau, sẽ có khó khăn riêng và mỗi khó khăn đòi hỏi cách giải quyết phù hợp thay vì đứng trên bình diện chung. Vì vậy, thực tế này đòi hỏi nhu cầu về sự ra đời của các ban tư vấn chính phủ riêng rẽ, nhằm giải quyết cho từng nhóm ngành phù hợp. Đơn cử, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần giải quyết vấn đề về thủ tục, tỷ giá hối đoái, mua bán ngoại tệ; hoặc doanh nghiệp về vận tải công cộng sẽ gặp các vấn đề phát sinh về giá xăng dầu, số lượng khách…
Việc giảm thuế có thể tác động tích cực với các doanh nghiệp có lợi nhuận; nhưng không có tác dụng hiệu quả với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Biện pháp kích cầu kinh tế chỉ thực sự làm tốt vai trò của nó khi giúp doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng để đóng thuế và duy trì “sức đề kháng”. Khi Covid-19 qua đi, dư âm của dịch bệnh và “sức đề kháng” của doanh nghiệp để họ phát triển trở lại mới là những câu chuyện chính.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng văn phòng đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam, khu vực miền Nam: “Doanh nghiệp BĐS nào có sự chuẩn bị kỹ càng sẽ vượt dịch thành công”
Đây là quãng thời gian để bình tâm, suy nghĩ, lên kế hoạch và đặt mục tiêu cụ thể. Trong giai đoạn mọi thứ đang gặp khó khăn như lúc này thì doanh nghiệp nào có kế hoạch trước, có sự chuẩn bị kỹ càng tất cả các yếu tố cần thiết để chạy trước sẽ vượt dịch thành công.
Hiện tại, dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức rất to lớn đối với ngành BĐS, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận của các DN trong ngành. Qua giai đoạn đại dịch này, thị trường BĐS sẽ có sự sàng lọc mạnh mẽ: Các doanh nghiệp nhỏ không đủ tầm, hoặc chụp giật, lừa đảo, sẽ rời bỏ cuộc chơi. Lúc đó thị trường sẽ dành cho những doanh nghiệp có thương hiệu, có tiềm lực mạnh, có chiến lược dài hạn sẽ phát triển tốt và bền vững.
Khi nhiều CĐT dự án tung hàng trong cùng thời điểm sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh để giành thị phần khách hàng. Bao gồm, cạnh tranh về vị trí, về giá, về chiến lược kinh doanh, về thương hiệu…
Còn đối môi giới BĐS: Giai đoạn này nên trau dồi tích lũy kiến thức về BĐS , khi thị trường phục hồi. Nhiều sản phẩm tung ra thị trường cùng thời điểm, chắc chắn khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chon. Vì thế, có thể tạo ra cuộc cạnh tranh giành giật khách hàng hướng về dự án của mình. Cho nên, môi giới BĐS nào chuyên nghiệp hơn, kỹ năng tốt hơn sẽ giành phần thắng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đai Phúc Land: “Cần các gói ưu đãi lãi suất cho người mua nhà trong dài hạn”
Trong bất cứ tình huống nào, cả chủ đầu tư phải bình tĩnh và có giải pháp ứng phó. Góc độ khách hàng cũng vậy, cẩn trọng nhưng không quá hoang mang.
BĐS là câu chuyện phát triển dài hạn nên kế hoạch có thể cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp thực tế nhưng không dừng lại mà vẫn phải tiếp tục triển khai
Dịch bệnh chỉ trong ngắn hạn, một vài ba tháng và quay trở lại nhịp sống vốn có nhưng bài toán đầu tư phải tính bằng con số vài năm mới có sản phẩm cho khách hàng. Đó là câu chuyện phát triển bền vững và dài hạn tập trung vào gia trị sản phẩm cho khách hàng.
Trong giai đoạn hiện nay cơ hội đầu tư ngắn hạn không còn do tính thanh khoản giảm, dòng tiền đang lưu thông chậm và giảm mạnh. Đầu tư ngắn hạn thường chỉ mang yếu tố thời điểm khi thị trường sôi động hay có các yếu tố kích hoạt bất ngờ như công bố quy hoạch mới, mở đường hay khởi động các dự án trọng điểm…
Khi thị trường trầm lắng sẽ sàng lọc mạnh NĐT. NĐT ngắn hạn thường vốn yếu, tỉ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ sớm rời thị trường. Còn lại các NĐT dài hạn, có nguồn lực tốt họ sẽ lựa chọn các sản phẩm tốt và chờ đợi đến khi thị trường khởi sắc trở lại. Họ cũng hướng đến BĐS có khả năng khai thác dòng tiền cho thuê tốt. Đây là thời điểm thuận lợi cho các NĐT dài hạn lựa chọn.
Bài toán khó nhất của thị trường BĐS hiện nay vẫn là sự lệch pha về cung-cầu chưa được tháo gỡ do khủng hoảng pháp lý kéo dài trong khi nhu cầu ở vẫn tăng trưởng mạnh tại các thành phố lớn.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, tác động nặng nề đến các lĩnh vực kinh tế khác nhau với dự báo khoảng 70% doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn trong việc duy trì hoạt động. Doanh thu giảm, thu nhập người lao động giảm sẽ kéo theo nhu cầu tiêu dùng, mua sắm giảm.
Muốn kích cầu BĐS trong thời điểm hiện tại, đặc biệt hướng đến đối tượng mua nhà để ở cần các gói ưu đãi lãi suất cho người mua nhà trong dài hạn.
Cần thúc đẩy hướng đến cơ chế chính sách thông thoáng hơn, qua đó tạo động lực cho nền kinh tế hồi phục, niềm tin người dân được củng cố và thị trường BĐS sẽ khởi sắc trở lại.
Dịch bệnh chỉ là ngắn hạn rồi cũng sẽ kiểm soát và vượt qua. Các mục tiêu phát triển trong dài hạn vẫn phải tiếp tục triển khai. BĐS là sân chơi lớn và dài hạn, không chỉ CĐT mà cả NĐT cũng cần nhìn xa, trông rộng và lựa chọn chiến lược phù hợp để đảm bảo hiệu quả và giá trị gia tăng bên vững trong dài hạn.
Ông Nguyễn Thái Bình, Tổng giám đốc Đông Tây Land: “Bản thân doanh nghiệp luôn cố gắng giữ vững tinh thần cho nhân viên và khách hàng”
Trong lúc lúc khó khăn như này, doanh nghiệp phải cố gắng duy trì hoạt động, chia sẻ khó khăn với nhân viên. Với Đông Tây Land, hiện tại vẫn duy trì đi làm 50% và làm online 50%. Đảm bảo các hoạt động. Vì nghề dịch vụ này, buông ra là không hiệu quả, và khi thị trường tốt lại, khó kêu gọi lại anh em sales và cũng như khó nắm bắt thời cơ.
Bối cảnh này, biết được khó khăn, các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn vốn để hoạt động 2-3 tháng khi không có doanh thu, sau đó thì mọi việc sẽ ổn định lại.
Ở thời điểm này,nhiều người bán lỗ BĐS nhưng nhiều người cũng canh lúc này để mua được giá tốt, mua được sản phẩm đẹp.
Bản thân doanh nghiệp phải luôn ở tư thế chủ động,chia sẻ thị trường và những khó khăn cho đội ngũ nhân viên nắm, để cùng hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, cũng cần duy trì chia nhóm nhỏ làm tại công ty, hoặc làm online, bán hàng và tư vấn gián tiếp: cellphone, email, MKT online…. nhằm duy trì công việc liên tục cho nhân sự cũng như đảm bảo an toàn.
Dịch vẫn phải phòng, nhưng công việc cũng phải làm. Trong nguy có cơ. Nếu doanh nghiệp nào duy trì được tinh thần làm việc tốt và vẫn đảm bảo kết nối, hoạt động team, đội nhóm tốt, thì khi thị trường quay lại sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhất. Đặc biệt, ở bối cảnh này doanh nghiệp phải cố gắng giữ tinh thần cho nhân viên và khách hàng.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam: “Thời điểm này là cơ hội cho những NĐT vững tài chính”
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19. các hoạt động mở bán của doanh nghiệp BĐS đã được lùi lại ngày hoặc tạm hoãn chờ đến khi tình hình dịch bệnh bớt phức tạp hơn. Tuy nhiên “trong cái khó ló cái khôn”, tôi thấy một số doanh nghiệp bao gồm cả chủ đầu tư và đơn vị phân phối đã tận dụng công nghệ để tăng cường quảng cáo tiếp thị, tiếp xúc với khách hàng, kể cả các hoạt động đăng ký mua, đặt chỗ,… bằng rất nhiều các ứng dụng tiện ích. Đây vốn là xu hướng từ cuối năm 2018 và tiếp tục phát triển ở năm 2019. Năm 2020, với nhiều dấu hiệu thách thức, đây cũng là lúc thị trường tự chuyển biến để thích hợp với điều kiện và sự phát triển mới.
Dù bị tác động nhưng đối với nhà đầu tư có năng lực về tài chính và không phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường, đây có thể là cơ hội để lựa chọn những dự án đúng với mục tiêu đầu tư của mình, phù hợp các tiêu chí lựa chọn về vị trí, tiến độ pháp lý và xây dựng, uy tín chủ đầu tư, tiềm năng phát triển của khu vực,… và đặc biệt là mức giá.
Tôi tin rằng chỉ trong thời gian ngắn nữa, tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt và nhanh chóng hết dịch. Khi đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương, du lịch, đặc biệt là cả thị trường bất động sản cũng sẽ hoạt động tích cực và sôi động trở lại để bù đắp cho một khoảng thời gian bị nén.
Nguồn: https://cafef.vn/thi-truong-bat-dong-san-trong-nguy-co-co-20200328095839799.chn