“Siết” đầu tư bất động sản ra nước ngoài: Nên hay không?

Các cơ quan quản lý muốn “siết” việc đầu tư bất động sản ra nước ngoài vì lo ngại nguy cơ rửa tiền cao. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, việc hạn chế này đi ngược thị trường và không cần thiết.

Mới đây, Bộ KH&ĐT lấy ý kiến về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có nội dung không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản. Việc không khuyến khích là do lo ngại dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước.

Đánh giá về nội dung này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng bộ phận Tư vấn & Định giá của Savills Hà Nội, cho rằng các e ngại này là có cơ sở. Đầu tư bất động sản là ngành nghề đòi hỏi vốn lớn và có mức độ rủi ro cao. Trong khi nguồn lực kinh tế xã hội của đất nước khá hạn chế, việc đầu tư ra nước ngoài sẽ làm suy giảm nguồn lực dành cho đầu tư, phát triển kinh tế xã hội trong nước.

Tuy nhiên, ở một mặt khác, ông Sơn cũng cho rằng, việc hạn chế này chưa thực sự tạo quyền tự do cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Sơn, đầu tư bất động sản mang tính cá biệt rất lớn, nên việc duy trì kiểm soát đối với một số khía cạnh nhất định là cần thiết. Tuy nhiên, cũng nên xem xét và gỡ bỏ hạn chế đối với việc đầu tư bất động sản trong những phân khúc, thị trường doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ về mặt công nghệ, kinh nghiệm và nguồn vốn.

Hơn nữa, ông Sơn cũng cho rằng, khi đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp Việt sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, có thêm kinh nghiệm, danh tiếng, làm chủ công nghệ cũng như xây dựng được hệ thống các đối tác là khách hàng, nhà cung cấp, nhà tài trợ vốn…

Việc không khuyến khích đầu tư bất động sản ra nước ngoài là do lo ngại dịch chuyển tài sản, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước. Ảnh minh hoạ

Một số ý kiến khác cũng nhìn nhận, việc hạn chế đầu tư ra nước ngoài là đi ngược thị trường và không cần thiết.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Cengroup, cho rằng việc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản nên phù hợp với thông lệ quốc tế, công bằng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong mọi lĩnh vực.

Đầu tư bất động sản ở đâu cũng rủi ro. Bất động sản không thể di chuyển được, nhưng nhà đầu tư luôn luôn có nhu cầu để đảm bảo đa dạng hoá các danh mục đầu tư của mình, có những khoản đầu tư đảm bảo tính an toàn, tính thanh khoản, có những khoản đầu tư chấp nhận rủi ro cao. Vì vây lựa chọn đích đến đầu tư ở các nước trên thế giới, cũng là xu thế chung của các nhà đầu tư. Do đó nên nhìn tổng thể hơn với quy mô toàn cầu đối với việc dịch chuyển dòng tiền.

Theo ông Hưng, việc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản nên theo đường chính ngạch để quản lý dòng tiền tốt hơn. Ông Hưng cho biết, cách đây hai năm, người Việt chi đến 3 tỉ USD mua nhà ở Mỹ. Riêng năm 2018, thống kê có khoảng 1,5 tỉ USD tiền của người Việt mua bất động sản tại Úc.

“Nếu chặn tiền thì sẽ không rõ tiền đi bằng cách nào, như vậy càng không kiểm soát được. Nếu chúng ta có được một cơ chế minh bạch, rõ ràng cho việc đầu tư này sẽ tốt hơn là việc chuyển tiền không chính ngạch để đầu tư”, ông Hưng nói.

Đồng thời, ông Hưng cho rằng các nhà quản lý nên có cái nhìn toàn cầu vì Việt Nam đã tham gia kinh tế quốc tế, phải nhìn nhận theo xu hướng cởi mở hơn. Nhà nước có thể điều hành bằng những chính sách như thuế, phí liên quan đến chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư. Ngược lại, phải có ưu đãi nếu muốn thu hút đầu tư vào trong nước. Vì vậy, không nên đưa ra chính sách cực đoan như không khuyến khích, hạn chế, ngăn cấm.

“Nếu cứ muốn nước ngoài đầu tư vào nước mình, nhưng nước mình lại không muốn cởi mở đầu tư ra nước ngoài thì rõ ràng là điều không bình đẳng trong cuộc chơi của toàn cầu”, ông Hưng nói.

Đối với lo ngại rửa tiền khi đầu tư bất động sản ra nước ngoài, ông cho rằng, nếu đã chủ đích rửa tiền thì ở trong nước cũng rửa tiền thông qua bất động sản. Cho nên không nên nhìn vấn đề ở một khía cạnh cực đoan mà hãy nhìn tích cực hơn, dòng tiền đó rồi sẽ quay trở về đất nước.

“Đừng nghĩ rằng cứ đầu tư ra ngoài là mất tiền. Nói như vậy có nghĩa các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đất nước họ cũng bị mất tiền sao? Họ vẫn đầu tư, nộp thuế, quay về đầu tư nước họ cơ mà”, ông Hưng nói.

Hơn nữa, hiện nay Việt Nam đang khó khăn về nguồn vốn, nếu ở nước ngoài có được nguồn vốn (chẳng hạn có 1 triệu USD, vay thêm 7-8 triệu USD để đầu tư), thì đây là đòn bẩy mà các nước phát triển cho sử dụng rất tốt.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế – TS Đinh Thế Hiển cho rằng, “không khuyến khích” và “không được” mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

“Rõ ràng, một lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài thuần túy chỉ để thu lợi nhuận cho chủ đầu tư mà không có thêm giá trị gia tăng mang tính lan toả từ trong nước ra thì đều là những dạng đầu tư không khuyến khích, trong đó có đầu tư bất động sản ra nước ngoài”.

Theo ông Hiển, nếu đầu tư xây dựng một trung tâm phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài thì không chỉ có giá trị sinh lời mà còn là bán hàng, quảng bá hàng Việt Nam ra thế giới. Việc này thì nên khuyến khích.

Hay dẫn chứng từ việc Thái Lan đầu tư nhà máy bia, trung tâm thương mại vào Việt Nam, thì việc đầu tư ấy không chỉ sinh lời mà còn cung cấp hàng hoá Thái Lan qua Việt Nam. Còn nếu chỉ sang xây dựng bất động sản không thôi thì không giúp tác động đến kinh tế đất nước.

“Do đó, những hoạt động đầu tư ra nước ngoài không tạo ra giá trị lan toả, liên kết cho nền kinh tế Việt Nam về lực lượng lao động, thương mại thì đều không nên khuyến khích, trong đó việc hạn chế đầu tư bất động sản ra nước ngoài là đúng”, ông Hiển đánh giá.

Ông cho rằng, vấn đề này nếu hiểu theo nghĩa là định hướng thì sẽ hợp lý hơn. Còn trong  câu chuyện “không khuyến khích” đó thì những bất động sản nào được phép đầu tư, đầu tư như thế nào lại là câu chuyện khác, cần được cụ thể hoá.

TOP