Phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Đến năm 2030, tổng số căn hộ nhà ở xã hội các địa phương sẽ hoàn thành là 1,06 triệu căn. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 – 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn…

Đây là mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” đã được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt ngày ¾ (tại quyết định 338/QĐ – TTg).

GIAI ĐOẠN 2021 – 2030 CẦN KHOẢNG 2,4 TRIỆU CĂN NHÀ XÃ HỘI

 

Đề án cho biết, hiện đã có 60/63 địa phương gửi Bộ Xây dựng báo cáo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội tại địa phương. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2030, cần khoảng 2,4 triệu căn; trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 cần khoảng 1,24 triệu căn, và giai đoạn 2026 – 2030 là khoảng 1,16 triệu căn.

Trong đó, đối với nhà ở công nhân, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay, trên phạm vi cả nước có 392 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 119.900 ha; trong đó có 286 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 85.200 ha và 106 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 34.700 ha. Có khoảng hơn 2,7 triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Theo Bộ Xây dựng (đơn vị được giao xây dựng đề án), hiện còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, Ngân sách trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo đó, vốn bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu…

Nhiều địa phương, đặc biệt là người đứng đầu UBND cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, chưa xác định rõ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội dẫn đến thiếu đất sạch đểriển khai. Tổng diện tích đất ở đã bố trí để phát triển nhà ở xã hội của cả nước mới chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020.

Ngoài ra cũng chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ đóng tiền sử dụng đất thay thế 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha để xây nhà ở xã hội theo quy định; Chưa thực sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây nhà ở xã hội…

Về phía các doanh nghiệp bất động sản thì cơ bản mới chỉ tập trung phát triển các khu đô thị, nhà ở, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân cũng chưa quan tâm đến nhà ở cho người lao động…

Đặc biệt, còn nhiều vướng mắc trong các quy định pháp luật liên quan đến công tác phát triển nhà ở xã hội như về thủ tục đầu tư, mua – bán; xác định giá nhà, chính sách ưu đãi; đối tượng được mua, thuê mua…

Do đó, đến nay, công tác phát triển nhà ở xã hội mới đạt 65% mục tiêu đề tra đến năm 2020 (tương đương đã hoàn thành 7,79 triệu m2 sàn nhà ở xã hội).

CẦN KHOẢNG 849.500 TỶ ĐỒNG, CHỦ YẾU BẰNG VỐN XÃ HỘI HOÁ

 

Theo đề án, thời gian qua thị trường bất động sản, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý. Dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp trong khi thiếu nhà ờ vừa túi tiền, đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.

Hơn nữa, giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân; lượng giao dịch, thanh khoản bất động sản giảm mạnh trong quý 3/2022 và có dấu hiệu trầm lắng. Bởi vậy, việc nghiên cứu, xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 là rất cần thiết.

Về giải pháp, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về nhà ở xã hội; Nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và sửa đổi luật Nhà ở 2014 đồng bộ với luật Đất đai sửa đổi, luật Đấu thầu sửa đổi…

Với việc dành quỹ đất làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sửa đổi theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn cấp tỉnh và cấp huyện; đảm bảo quỹ đất; bổ sung quy định quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân…

Về tín dụng phát triển nhà ở xã hội, trước mắt, tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 – 2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank);

Với giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án được xác định giá và có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt giá bán, cho thuê, cho thuê mua; đồng thời bổ sung quy định về nguyên tắc điều chỉnh giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trong trường hợp điều chỉnh tăng, giảm tổng mức đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội gồm: công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là khu công nghiệp) và doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp; có cơ chế chính sách riêng để phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân thuê. Bổ sung đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cho người lao động tại đơn vị mình thuê.

Bộ Xây dựng cho biết, để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, cần khoảng 849.500 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa. Do vậy, cần tập trung và ưu tiên tín dụng để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo công tác an sinh xã hội.

TOP