Khách hàng e ngại việc xuống dự án
Anh Vũ Thanh Tùng, môi giới chung cư tại Hà Nội cho biết từ trước Tết, khách anh chăm sóc nhiều lần hẹn lịch xuống dự án để tham quan căn hộ mẫu. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, do bận việc nên khách vẫn chưa xuống được và hẹn thời điểm sau Tết rảnh hơn sẽ xuống dự án.
Anh Tùng cho biết, mùng 5 Tết, khách đã gọi điện hẹn cuối tuần, tức khoảng mùng 8, mùng 9 Tết xuống dự án. Thế nhưng, đến mùng 7 khách đã gọi lại, thông báo do dịch bệnh Corona diễn biến phức tạp nên hạn chế ra ngoài. Dù anh Tùng thuyết phục khách là thời điểm đầu năm dự án rất vắng người nhưng khách vẫn từ chối với lý do không muốn tiếp xúc với nhiều người và hẹn sẽ báo lại lịch sớm nhất.
Tương tự anh Tùng, mùng 5 Tết, anh Nguyễn Văn Mật đã bay vào Đà Nẵng. Anh Mật vốn người ngoài Bắc nhưng bán bất động sản Đà Nẵng đã nhiều năm nay. Nếu thời điểm này năm ngoái anh vẫn túc tắc gặp khách thì từ hôm vào, anh Mật chỉ ngồi chơi. Gọi điện cho một số nhà đầu tư vốn là khách ruột, anh đều nhận được nội dung trả lời chung là sẽ căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh Corona mới quyết định được thời gian đi thực tế các dự án anh giới thiệu.
- Nhiều sàn môi giới bất động sản chưa ra quân sau Tết
- Bất động sản nghỉ dưỡng gánh thêm cú sốc từ đại dịch corona
Đồng nghiệp của anh Mật, anh Nguyễn Mạnh Cường cho biết, anh cũng có lịch hẹn với một nhà đầu tư ngoài Bắc thời điểm sau Tết sẽ bay vào Đà Nẵng xem dự án. Vị khách này có ý định xuống tiền luôn với một dự án ở đây do chương trình khuyến mại kích cầu chỉ kéo dài đến cuối tháng 2. Thế nhưng, do dịch bệnh Corona bùng phát và ngày càng phức tạp nên đến nay vị khách vẫn chưa chốt lịch bay vào.
Ở thời điểm hiện tại, môi giới và nhà đầu tư BĐS đều đang “gặp khó” với dịch bệnh Corona. Ảnh minh họa
Tương tự, hai khách khác của anh Cường đã đặt chỗ một dự án đất nền ở Quy Nhơn (Bình Định) từ trước Tết, do dịch bệnh nên cũng hoãn lịch bay vào xem dự án để quyết định từ đặt chỗ sang đặt cọc. Điều này khiến anh Cường rất sốt ruột, nếu khách xem được sớm dự án, thì quá trình chuyển từ đặt chỗ thành cọc có thể được xúc tiến nhanh hơn.
Được biết, một số sàn, chủ đầu tư có nguồn hàng sẵn có kế hoạch mở bán dự án thời điểm sau Tết cũng căn cứ tình hình diễn biễn của dịch bệnh nên quyết định lùi lịch mở bán.
Giới đầu tư ngán ngẩm
Trong khi môi giới không bán được hàng thì giới đầu tư cũng ngán ngẩm vì cơ hội tiếp cận thị trường, nguồn hàng bị hạn chế vì dịch bệnh. Nhà đầu tư Trương Hải Lâm (Ba Vì, Hà Nội) cho biết một trong những kế hoạch lớn của ông thời điểm sau Tết là bay vào Cam Ranh (Nha Trang) khảo sát thị trường bất động sản tại đây. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Corona buộc ông phải hoãn kế hoạch. Điều này khiến ông Lâm rất sốt ruột bởi theo ông, thị trường ngoài Bắc từ năm ngoái đến nay vẫn khan nguồn hàng, đặc biệt là những sản phẩm đầu tư tiềm năng. Nguồn tiền nhàn rỗi của ông vẫn đang để ngân hàng cả năm nay khiến ông cảm thấy rất phí. Ông đã lên lịch, hẹn gặp môi giới, nhóm nhà đầu tư trong đó thì Nha Trang trở thành một trong những nơi có dịch.
Nhà đầu tư Nguyễn Tiến Thái (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngay sau kì nghỉ Tết, ông đã nhắm luôn 2 lô đất được rao bán trong một hội nhóm mà sau khi xem xét trên bản đồ vệ tinh ông thấy vị trí đẹp. Ông dự tính bay luôn vào Phú Quốc để xem thực tế trước khi quyết định xuống tiền mua. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến ông hoãn lại kế hoạch bay vào Phú Quốc. Chưa đầy 2 ngày sau khi ông báo với môi giới hoãn kế hoạch, một nhà đầu tư địa phương đã xuống tiền mua luôn trước ông. Ông Thái tỏ rõ sự tiếc nối do để tuột mất 2 lô đất này.
Trong khi đó, Diệu Huyền, một 9X đang đầu tư homestay ở Hà Nội cho biết, mọi năm homestay của cô vẫn được nhiều bạn trẻ book lịch kín cuối tuần đến hết tháng 3. Nhưng dịch bệnh Corona khiến lượng khách nước ngoài, khách du lịch bụi, khách phượt hạn chế di chuyển nên homestay ế ẩm. Nhiều homestay khác tại Hà Nội cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự.