HoREA vừa kiến nghị cho doanh nghiệp bất động sản được vay tái cấu trúc khoản nợ trái phiếu
Theo HoREA, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là đã quy định cơ chế xử lý trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến hạn.
Đồng thời, văn bản này “mở đường” để doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu sắp đến hạn và nhà đầu tư trái phiếu (trái chủ) đàm phán tìm kiếm giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, Nghị định 08/2023/NĐ-CP mới chỉ quy định cơ chế đàm phán để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác. Hơn nữa, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu “dòng tiền”, thiếu “thanh khoản” nghiêm trọng.
Vì vậy, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho những doanh nghiệp có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất… được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn. Khoản vay có thể không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành. Ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này cũng như tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các “trái chủ”. Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại, doanh nghiệp và các “trái chủ” thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08.
Đặc biệt, HoREA đề nghị cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép tổ chức tín dụng được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… và Nghị quyết này đã được Quốc hội cho phép gia hạn đến năm 2025.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nếu được áp dụng các doanh nghiệp bất động sản sẽ được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản theo nhu cầu, vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo được dòng tiền để vượt qua khó khăn, vừa giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Điều này sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các “trái chủ”. Từ đó, tạo điều kiện cho hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản thông thoáng, tăng thêm nguồn thu ngân sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với thị trường bất động sản.
Cũng nhằm khơi thông thị trường bất động sản, liên quan đến gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản cho rằng, đây là liều thuốc bổ cho thị trường. Chính phủ cần sớm ban hành Nghị quyết về gói tín dụng này, cụ thể hóa các đối tượng và tiêu chí tiếp cận nguồn vốn.
Gói 120 nghìn tỷ đồng dự kiến cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 – 2%. Theo ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT Khang Land, đây vẫn là mức lãi suất cao với nhiều lao động, nhất là người có thu nhập thấp. Do đó, cần cân nhắc thêm về lãi suất ưu đãi cho người vay mua nhà, cụ thể là áp dụng lãi suất thấp hơn nữa và kéo dài thời gian cho vay.