Gỡ khó cho thị trường bất động sản

Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ đã “bắt đúng bệnh” của thị trường bất động sản hiện nay và đã đưa ra các giải pháp tháo gở khó khăn toàn diện cho thị trường.


Chính sách hỗ trợ


Thị trường BĐS vừa đón nhận tin vui khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP (Nghị quyết 33/CP) về các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững,  trong đó, Chính phủ thể hiện rõ cam kết chia sẻ, tạo sự khích lệ lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư BĐS và các dự án nhà ở nâng cao chất lượng an sinh xã hội.

Tại Nghị quyết 33, Chính phủ đã thông qua nội dung các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ giảm 1,5 – 2% lãi suất cho những người vay mua nhà thông qua gói 120.000 tỷ đồng. Đây là “điểm sáng” về tín dụng cho nhu cầu ở thực, song cũng cần nhìn nhận thực tế đây là gói mang tính tự nguyện của các ngân hàng thương mại. Thực tế, với mức lãi suất cho vay đối với BĐS hiện còn khá cao lên đến 14%, trong khi lãi suất huy động tiền gửi 7,4%, việc sở hữu BĐS đối với nhà đầu tư hiện nay vẫn là bài toán khó.

Theo ông Trịnh Quang Đông, Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Phục Hưng, những vướng mắc và khó khăn chủ yếu của thị trường bất động sản và doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh BĐS hiện nay chủ yếu là: Thủ tục đầu tư, pháp lý chưa được tháo gỡ đồng bộ, thống nhất về chính sách, đặc biệt là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn, lãi suất ngân hàng cho vay đang ở mức cao, tỷ giá ngoại tệ biến động, cộng với giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng dẫn đến chi phí của doanh nghiệp tăng…

Ngoài ra, trong gần 2 năm qua, nhiều dự án BĐS tại các địa phương gặp khó khăn trong triển khai, dẫn đến nguồn cung BĐS, nhà ở giảm nhiều so với thời gian trước; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm phân khúc cao cấp trong khi thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, thị trường, doanh nghiệp kinh doanh BĐS gặp nhiều khó khăn trong việc phát hành trái phiếu, huy động vốn, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.

Vì vậy, trong bối cảnh như trên, Nghị quyết 33 có thể được xem là “liều thuốc” quý để giải cứu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS nhận định, Nghị quyết 33 đưa ra mục tiêu rõ ràng là: Tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục, cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án BĐS tại các địa phương, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu giá…; tập trung cao độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường.

Đáng chú ý, Nghị quyết 33 tập trung tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn, tăng thanh khoản cho thị trường; đồng thời, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường BĐS hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.

Đưa Nghị quyết 33 vào cuộc bất động sản


Nghị quyết 33 đã nhận định đầy đủ thực trạng khó khăn trên thị trường BĐS, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2022 đến nay. Đơn cử, như hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS vẫn còn một số bất cập; nhiều dự án BĐS tại các địa phương gặp khó khăn khi thực hiện, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung so với thời gian trước; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp.

Nghị quyết 33 đã đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về: Hoàn thiện thể chế; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; nguồn vốn tín dụng; nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp; tổ chức thực hiện của các địa phương như nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ trị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, không để Nghị quyết nằm trên giấy, các chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn để hỗ trợ ngay, kịp thời cộng đồng các doanh nghiệp BĐS vượt qua khó khăn, hồi phục niềm tin nhà đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh nhận định, điều quan trọng nhất của Nghị quyết là Chính phủ đã đề ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững, gắn bó hữu cơ với sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới và nền kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp, đứng trước nhiều thách thức bất định, khó lường. Do đó, Nghị quyết phải trợ lực ngay thị trường, để khi thị trường “ấm lên”, các doanh nghiệp BĐS sẽ phục hồi nhanh.

Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh, với tinh thần rõ ràng, dứt khoát, chỉ đạo đúng, đủ những vấn đề đang tạo khó cho thị trường BĐS của Nghị quyết 33, hy vọng những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường sẽ sớm được khơi thông, thị trường sẽ sớm hồi phục, ổn định trở lại và sớm đưa ra tư duy chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ, ngành, địa phương, đúng người, đúng việc.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện nhiều công ty địa ốc chia sẻ, Nghị quyết 33 cần sớm thực thi để tạo sự khích lệ to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp đang đầu tư phát triển BĐS. Điều các doanh nghiệp địa ốc cần lúc này là nhà đầu tư không quay lưng với doanh nghiệp và chính quyền Nhà nước luôn đồng hành hỗ trợ. Chính vì vậy, những động thái quyết liệt của Chính phủ hiện nay theo Nghị quyết là cần thiết, cấp thiết và quan trọng.

“Quy luật trước đây là dòng tiền luân chuyển từ ngân hàng (tín dụng), cá nhân (trái phiếu, người mua trả trước) sang doanh nghiệp và quay vòng liên tục. Nhưng nửa năm trở lại đây, dòng tiền “nằm” ở ngân hàng và cá nhân, không còn quay trở lại doanh nghiệp vì khi hai kênh huy động vốn khác là chứng khoán và trái phiếu đều khó khăn và niềm tin ở người dân thì đang suy giảm. Vì vậy, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, cùng với việc cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn nợ, chủ động thương lượng với trái chủ tại Nghị quyết 33 là giải pháp hợp lý”, đại diện một doanh nghiệp BĐS cho hay.

TOP