THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN NĂM 2024: CỦNG CỐ NIỀM TIN ĐỂ BỨT PHÁ

Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam bước sang năm 2024 với động thái tích cực nhiều hơn tiêu cực. Theo đó, nguồn cung và cầu dự báo sẽ có sự cải thiện rõ rệt hơn, dựa vào những chính sách của Nhà nước đã đến độ “thẩm thấu” và thực tế điều hành kinh doanh của DN.

Thị trường bất động sản (BĐS) năm 2024: Củng cố niềm tin để bứt phá

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện nay thị trường BĐS đang đóng góp khoảng 20% GDP trong nền kinh tế của Việt Nam, đây là một tỷ lệ rất lớn, nguồn thu quan trọng đối với ngân sách Nhà nước.

Thị trường BĐS còn tạo ra việc làm cho hàng triệu người, thông qua việc thúc đẩy đầu tư tài chính và thúc đẩy hàng trăm ngành nghề khác có liên quan.

Đặc biệt, khi thị trường BĐS khởi sắc sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện điều kiện sinh sống của người dân. Vì vậy, việc đảm bảo cho thị trường BĐS phát triển một cách lành mạnh, bền vững là nhiệm vụ chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

“Để thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, vấn đề đầu tiên cần phải được tháo gỡ là thể chế. Nhà nước cần phải có sự can thiệp, tác động mạnh hơn đến việc cơ cấu lại các sản phẩm, nguồn cung phù hợp với nguồn cầu thực tế.

Đặc biệt, thị trường chỉ có thể tiếp tục phát triển khi niềm tin được củng cố trở lại, muốn làm được điều đó thì phải đảm bảo được tính minh bạch” – TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.

BĐS

Thị trường bất động sản (BĐS) năm 2024: Củng cố niềm tin để bứt phá

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính – ngân hàng – TS Cấn Văn Lực cho rằng, hiện nay một bộ phận cán bộ, công chức đang mang tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc thực thi công vụ… dẫn đến việc nhiều dự án BĐS, nhà ở không thể tiếp tục triển khai hoặc bị kéo dài; tình trạng dự án bỏ hoang, sản phẩm nhà ở tồn kho gia tăng cũng là một trong những yếu tố gây mất niềm tin.

“Để giải quyết vướng mắc này, Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa việc rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; có cách tiếp cận cân bằng, hài hòa hơn đối với thị trường tài chính; chú trọng điều tiết cung – cầu theo thực tế.” – TS Cấn Văn Lực kiến nghị

Cũng theo TS Cấn Văn Lực: “Đặc biệt cần nhanh chóng giải quyết quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, sau những sai phạm xảy ra ở các DN BĐS đã bị khởi tố hình sự” .

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay là việc giải quyết hệ quả trong quá trình kinh doanh chộp giật của nhiều DN, đã gây ra sự mất cân đối về cơ cấu sản phẩm BĐS trên thị trường.

Thống kê mới nhất từ Bộ Xây dựng cho thấy, khoảng 80% sản phẩm nhà ở thuộc nhóm cao cấp, không phù hợp với khả năng tài chính của đại bộ phận người dân, dẫn đến việc tồn kho lượng lớn sản phẩm.

Theo tất yếu, nếu sản phẩm thanh khoản yếu thì nhà đầu tư sẽ hạn chế tham gia và lúc đó thị trường sẽ tiếp tục bị mất thanh khoản, những khoản vay ngân hàng sẽ rơi vào nợ xấu.

“Nhà nước phải xây dựng chính sách phát triển thị trường BĐS dựa vào nhu cầu thiết thực của người dân, không thể để những người đầu cơ thu gom đất đai phục vụ lợi ích cá nhân, trong khi nhu cầu của đại bộ phận người dân không được đáp ứng. DN BĐS cần bỏ thói quen kinh doanh theo kiểu chộp giật như vậy. Tôi đề nghị Nhà nước cần quyết liệt hơn trong việc đánh thuế BĐS để hạn chế dẫn đến ngăn chặn đầu cơ về BĐS, nhà ở” – TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nói.

 

TOP