Đề xuất lập thêm 3 thành phố mới thuộc TP.HCM

Liên danh tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đề xuất phát triển thêm 3 thành phố trong TP.HCM gồm thành phố Nam Sài Gòn, thành phố Củ Chi và thành phố Cần Giờ.

Tại hội nghị lấy ý kiến giai đoạn 1 “Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 12.9, đại diện liên danh tư vấn (*) đã báo cáo tổng quát các nội dung nghiên cứu của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, bao gồm:

Phân tích mối quan hệ liên vùng, xác định vị thế của TP.HCM trong vùng, quốc gia và quốc tế; Kinh nghiệm quốc tế; Xác định động lực phát triển của thành phố; Tầm nhìn, các chiến lược phát triển thành phố; Đánh giá tổng hợp hiện trạng, nêu rõ các nhận định nổi bật trong quá trình thực hiện quy hoạch chung đã được phê duyệt tại Quyết định số 24/2010/QĐ-TTg và cơ cấu điều chỉnh định hướng phát triển không gian tổng thể.

CHU TICH UBND TP.HCM PHAN VĂN MAI PHAT BIEU TẠI HOI NGHI

CHU TICH UBND TP.HCM PHAN VĂN MAI PHAT BIEU TẠI HOI NGHI

Theo liên danh tư vấn, định hướng phát triển không gian tổng thể TP.HCM sẽ có ba phân vùng gồm vùng trung tâm đô thị lịch sử, vùng trung tâm đô thị mở rộng và các thành phố trong thành phố.

Theo đó, ngoài thành phố Thủ Đức đã hình thành thì sẽ có thêm ba thành phố gồm Nam Sài Gòn, Củ Chi và Cần Giờ.

Thành phố Nam Sài Gòn sẽ là đô thị công nghệ và sinh thái nước, trọng tâm là đô thị sáng tạo, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí. Thành phố Cần Giờ sẽ là thành phố du lịch sinh thái, trung tâm kinh tế biển. Thành phố Củ Chi là đô thị dịch vụ sinh thái môi trường và nông nghiệp, sản xuất công nghiệp hỗ trợ và đào tạo công nghệ phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh thái môi trường.

Vùng trung tâm đô thị lịch sử với tính chất chính là hành chính, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo… Vùng này bao gồm khu đô thị hành chính Sài Gòn và phụ cận các quận 1, 3, 4, 10; khu Chợ Lớn và phụ cận các quận 5, 6, 11; đô thị sân bay các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú; đô thị ven sông hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp, một phần quận 12 và vùng đô thị công nghiệp là một phần quận Bình Tân.

Vùng trung tâm đô thị mở rộng có tính chất chính là dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo, công nghiệp… Vùng này bao gồm một phần ngoài quốc lộ (vành đai 2) của quận 12 và quận Bình Tân; khu vực huyện Hóc môn, phía Bắc huyện Bình Chánh.

 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết quy hoạch chung TP.HCM đã có từ năm 2010, đến nay có những vấn đề mới phát sinh đặt ra, có cả những hạn chế, quy mô dân số, mô hình phát triển đô thị, vấn đề tổ chức hệ thống hạ tầng trong vùng, kinh tế – xã hội… Việc rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM lần này có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là một cơ hội, một sứ mệnh làm sao kiến tạo các nền tảng phát triển TP.HCM bền vững, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân thành phố.

Bên cạnh đó, khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM cần giải quyết việc đánh giá môi trường chiến lược, quy hoạch không gian ngầm, ứng phó biến đổi khí hậu và hàng loạt vấn đề lớn khác. Đi cùng với đó là sự điều chỉnh quy hoạch vùng TP.HCM, quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội của địa phương.

Trong góp ý của Bộ Xây dựng về quy hoạch chung của TP.HCM cũng nêu rõ thành phố chưa nghiên cứu các nội dung như thiết kế đô thị, quy hoạch không gian ngầm, ứng phó với biến đổi khí hậu và những vấn đề lớn khác. Mặt khác, quy hoạch vùng TP.HCM, quy hoạch kinh tế – xã hội cũng có sự điều chỉnh, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố.

Tại hội nghị, lãnh đạo TP.HCM đã đề nghị các sở, ngành, đơn vị tư vấn làm rõ các vấn đề trong quy hoạch TP.HCM hiện tại để tìm những giải pháp, định hướng lớn trong tương lai.

TOP