Chính thức thành lập Thành phố Thủ Đức
Thủ Đức lên thành phố, bất động sản khu Đông kỳ vọng tăng nhiệt; Thông xe cầu nối Gò Vấp với quận 12: Hết cảnh qua sông luỵ đò, nhà đất “lên hương”; Giá bất động sản neo cao do đầu cơ lướt sóng; 218 hộ được bốc thăm nhận đất tái định cư sân bay Long Thành… là những thông tin nóng trong tuần qua.
Việc thành lập Thành phố Thủ Đức được thực hiện trên cơ sở sáp nhập ba quận gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Sau khi hình thành, Thành phố Thủ Đức có tổng diện tích khoảng 211 km2 và dân số là hơn 1 triệu người. Thành phố Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân, dự kiến đóng góp 30% GDP TP.HCM và 7% GDP cả nước.
Theo các chuyên gia, những thông tin về Thành phố Thủ Đức đang tạo động lực lớn cho thị trường địa ốc. Theo thống kê của CBRE, từ năm 2015 đến nay, khu Đông chỉ có khoảng hơn 55.000 căn hộ, chiếm khoảng 34% tổng nguồn cung trên thị trường. Dự báo đến năm 2025 nguồn cung của khu vực này sẽ vào khoảng 200.000 căn, chiếm khoảng 44% tổng nguồn cung của thị trường.
Hơn 1 triệu người dân TP Thủ Đức được miễn phí khi chuyển đổi giấy tờ. TP Thủ Đức không thu phí việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục do thay đổi địa giới đơn vị hành chính. Nếu chưa chuyển đổi, các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ mà chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
Về bộ máy, sau 60 ngày kể từ ngày Nghị quyết 1111 có hiệu lực, từng đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới sẽ phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo sự ổn định, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Lãnh đạo TPHCM chỉ đạo các sở – ngành có liên quan chủ động hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính… Thông tin, quy trình thực hiện được công khai trên cổng thông tin điện tử, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, khu phố, tổ dân phố và không thu phí việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Thông xe cầu nối Gò Vấp với quận 12: Hết cảnh qua sông luỵ đò, nhà đất “lên hương”
Sáng 31/12, hàng trăm người dân hai bên bờ An Phú Đông nô nức để được lần đầu tiên qua sông Vàm Thuật mà không phải chờ đợi những chuyến phà ngang như hàng chục năm qua. Công trình cầu sắt An Phú Đông nối liền hai quận Gò Vấp và quận 12 có tổng vốn đầu tư 79,5 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 61,3 tỷ đồng và 15,3 triệu đồng cho các chi phí khác.
Cầu được thiết kế dài 240 m, rộng 12,5 m, với quy mô gồm 2 làn ôtô và 2 lề cho người đi bộ. Mặt cầu hiện đã được thảm nhựa và lắp đặt hệ thống lan can bằng thép, đèn chiếu sáng. Cầu được xây dựng nhằm thay thế phà An Phú Đông hiện hữu phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện, an toàn liên tục cho người dân trong khu vực, kết nối giao thông giữa 2 quận Gò Vấp và quận 12.
218 hộ được bốc thăm nhận đất tái định cư sân bay Long Thành
Trong đợt này có 124 hộ thực hiện bốc thăm chọn đất. Trước đó, trong đợt bốc thăm đầu tiên đã có 94 hộ dân đủ điều kiện được bốc thăm chọn đất. Sau 15 ngày kể từ lúc bốc thăm chọn vị trí các cơ quan chức năng sẽ hoàn tất thủ tục để bàn giao nền đất thực tế cho các hộ dân.
Theo quy hoạch, khu tái định Lộc An – Bình Sơn rộng 282 ha, được bố trí 5.000 lô tái định cư. Tại đây còn xây dựng 11 công trình xã hội như trường học, trạm y tế, chợ, UBND xã, trung tâm văn hóa… Giá đất khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt cụ thể: đất ở vị trí đường rộng 45m – 48m giá đất là 6 triệu đồng/m2; vị trí đường từ 32m – 33m có giá gần 4,9 triệu đồng/m2; vị trí đường từ 24m – 26m có giá hơn 3,7 triệu đồng/m2 và cuối cùng ở vị trí đường từ hơn 11m – 17 m có giá 3 triệu đồng/m2.
Giá bất động sản neo cao do đầu cơ lướt sóng
Nhu cầu nhà ở được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong 10 năm tới, nhất là tại các đô thị lớn. Trong khi đó, từ Bắc vào Nam, nơi đâu cũng có hiện tượng giá bất động sản tăng cao, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, chủ yếu là do tình trạng đầu cơ, lướt sóng.
Mức tăng giá bất động sản cao nhất phải kể đến hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM. Số liệu của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VaRS) cho thấy, riêng ở Hà Nội, mức giá tại các dự án tăng khoảng 5-7%. Nhiều dự án ở phía tây có sự đột biến về giá, từ khoảng 30 triệu đồng/m2 hồi đầu năm lên 50-55 triệu đồng/m2 vào cuối quý 3/2020.
5 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2020
Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020 có nhiều khoảng trầm do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn ghi nhận điểm sáng khi bất động sản công nghiệp thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cùng CafeLand điểm lại 5 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2020.
Từ đầu năm 2020, thị trường bất động sản Việt Nam liên tục nóng sốt bởi những cơn sốt đất sau thông tin về việc đầu tư của các tập đoàn lớn với dự án hàng trăm hecta. Cò đất lợi dụng thông tin mập mờ, liên tục đẩy giá, tạo sự hỗn loạn để trục lợi.
Loạn “cò” đất vùng quê
Năm 2020, khi thị trường bất động sản TP HCM gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và các vấn đề pháp lý khác, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp đã đổ về các địa phương để săn đất, tìm cơ hội đầu tư. Nắm bắt cơ hội, nhiều người dân địa phương dù không hiểu biết nhiều về bất động sản bỗng nhiên trở thành “cò”, bỏ túi hàng tỉ đồng sau những thương vụ môi giới đất.
Ở khu vực TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), giới kinh doanh nhà đất hầu hết đều biết Thủy, một phụ nữ nhanh nhẹn. Trước đây, phụ chồng bán đồ gỗ trang trí nhưng gần 1 năm nay, Thủy chuyển sang làm “cò” đất và rất đắt khách, mỗi tháng giao dịch cả tỉ đồng. Mới tháng trước, Thủy môi giới bán được quả đồi 13,5 ha ở huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) với giá 25 tỉ đồng nên trích 400 triệu đồng trong số tiền hoa hồng để mua chiếc ôtô nhằm tiện việc chở khách đi xem đất. “Hoa hồng cả năm thì em không nhớ là bao nhiêu nhưng công việc này cho em thu nhập khá hơn rất nhiều so với trước và cũng không phải phụ thuộc vào ai. Cứ khách kêu là em có mặt dẫn đi.
Nguồn: Cafeland.