Thị trường BĐS chao đảo vì dịch bệnh
Theo quan sát của Batdongsan.com.vn, nền kinh tế chung đang rơi vào khó khăn từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. BĐS tuy là ngành chịu ít biến động nhưng cũng gần như đóng băng giao dịch sau chỉ thị đóng cửa hàng loạt dịch vụ kinh doanh và hạn chế di chuyển, tập trung đông người của Chính phủ.
Loại hình BĐS nhà ở khó chồng khó khi trong tháng 3 vừa qua, toàn thị trường ghi nhận lượng giao dịch giảm gần 70-80%, các hoạt động mở bán, khởi công bị đình trệ. Số sàn môi giới giải thể, đóng cửa hơn 30%, 70% sàn giảm quy mô, hoạt động cầm chừng. Nhu cầu tìm kiếm nhà đất giảm ít nhất 50% tại TP.HCM và gần 60-70% tại thị trường nghỉ dưỡng. Kinh tế khó khăn khiến quyết định mua nhà với mục đích để ở chậm lại, nhà đầu tư thoái lui nhằm bảo toàn nguồn vốn. Nhiều chủ đầu tư buộc phải hủy kế hoạch mở bán thêm dự án mới.
Với BĐS nghỉ dưỡng, du lịch, lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế cùng với mối lo ngại lây lan dịch bệnh của khách nội địa đã khiến cho BĐS nghỉ dưỡng tháng 3 giảm xuống đáng kể. Nhu cầu thuê phòng giảm hơn 90% tại các điểm du lịch như Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc, Nha Trang. Nhiều dự án tạm ngưng hoạt động trong tháng 3, tại các thành phố lớn, công suất thuê chỉ còn chưa đến 7-8%. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới.
Thấm đòn đau nhất là phân khúc mặt bằng bán lẻ, hàng loạt mặt bằng bị trả lại và bỏ trống vì doanh nghiệp không thể cầm cự được qua thời kỳ khủng hoảng. Các TTTM vắng khách qua lại với lượng khách giảm tới 80-90%. Nhiều cửa hàng đã có thông báo xin được hỗ trợ giảm tiền thuê từ chủ nhà, một số cửa hàng thì xin rút khỏi trung tâm hoặc xin đóng cửa.
Theo ông Troy Griffiths, P.TGĐ Savills Việt Nam, nếu sự bùng phát của Covid-19 tương tự như SARS, có thể dự đoán được những thiệt hại sâu rộng tới nền kinh tế trong nửa đầu năm 2020, làm ảnh hưởng đến sự linh hoạt của thị trường. Về dài hạn thị trường sẽ xuất hiện một số thương vụ bán và chuyển nhượng ở quy mô lớn giữa các chủ đầu tư. Với BĐS thương mại, giá thuê mặt bằng bán lẻ, văn phòng hay kho xưởng sẽ có thay đổi dựa vào các điều kiện thị trường. Nhìn chung trong ngắn hạn, các chủ đầu tư thương mại sẽ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ cho các khách thuê. Các biện pháp trước đây của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề bong bóng tài sản có thể được giữ lại và xem xét nếu cần thiết, trong khi những phương án mới cần được đề xuất. Sẽ có một số tác động gây ảnh hưởng dài hơn, làm thay đổi phương thức giao dịch của khách hàng. Đây là điều mà các doanh nghiệp BĐS cần chủ động tính toán trước.
Bất động sản thương mại và du lịch là những phân khúc chịu tác động nhiều
nhất từ COVID-19. Ảnh minh họa
Không quá bi quan
Dù thừa nhận dịch bệnh đang tác động rõ rệt tới thị trường nhưng P.TGĐ Savills cho rằng cũng không quá bi quan khi nhìn lại sự bùng nổ của SARS vào năm 2003. SARS là loại virus gần giống với virus Vũ Hán, xuất hiện vào tháng 2/2003, sau đó biến mất vào khoảng tháng 6, tháng 7 cùng năm, khi thời tiết trở nên ấm áp. Nếu sự bùng phát của Covid-19 tương tự như SARS, có thể dự đoán được những thiệt hại sâu rộng tới nền kinh tế trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, chủng virus mới này có thể sẽ thoái trào vào những tháng hè khi thời tiết ấm áp hơn, sau đó mọi việc sẽ quay lại nhịp sống bình thường nửa cuối năm và ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bộ phận Tư vấn Savills cho biết, những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho ngành du lịch, bán lẻ là rất đáng kể và chưa thể lượng hóa hết được. Tuy nhiên, việc chủ động ứng phó với các kịch bản cũng như khả năng sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh được khống chế sẽ là cơ hội để ngành giảm bớt thiệt hại trong ngắn hạn. Về lâu dài, khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
Riêng với phân khúc BĐS để ở, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, TGĐ Đại Phúc Land nhìn nhận, đây có thể xem như thời điểm thị trường sàng lọc mạnh để lựa chọn những doanh nghiệp có đủ thực lực thật sự. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ có sự tái cơ cấu mới, đặc biệt hướng đến đối tượng mua nhà để ở. Bên cạnh đó, thị trường cần cơ chế chính sách thông thoáng hơn, qua đó tạo động lực cho nền kinh tế hồi phục, niềm tin người dân được củng cố và thị trường BĐS sẽ khởi sắc trở lại. Dịch bệnh chỉ là ngắn hạn rồi cũng sẽ kiểm soát và vượt qua. Các mục tiêu phát triển trong dài hạn vẫn phải tiếp tục triển khai. BĐS là sân chơi lớn và dài hạn, không chỉ doanh nghiệp mà cả người mua nhà cũng cần nhìn xa, trông rộng và lựa chọn chiến lược phù hợp để đảm bảo hiệu quả và giá trị gia tăng bền vững trong dài hạn.