Thứ trưởng Bộ KHCN: Không nên quá lạc quan về khởi nghiệp ở Việt Nam, câu nói “nhiều bạn ngáo giá” cũng có hàm ý nhất định
Statup trên thế giới khi tăng trưởng cao đều dựa trên sáng chế, ý tưởng mới, cũng như kết quả nhờ vào sự tích luỹ khoa học công nghệ, Thứ trưởng KHCN Bùi Thế Duy nói tại Vietnam Business Summit 2019 sáng 16/10. Ông cho rằng tại Việt Nam, statup chỉ đang “bắt chước, chưa có cái riêng”.
Điều may mắn của Việt Nam, đang nằm trong 2 yếu tố: bối cảnh buộc phải chuyển đổi và xu hướng cách mạng 4.0. Những điều này khiến xã hội, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nhưng như đồng xu có 2 mặt, nó cũng đặt ra những vấn đề tiêu cực như nói quá nhiều mà không hiểu nhiều về công nghệ 4.0, nhiều người nhầm lẫn yếu tố ứng dụng công nghệ thông tin thuần tuý với 4.0 mà các nước hàng đầu đưa ra. Tuy nhiên, điều này cũng không cần quá đặt nặng, theo ông Duy.
Từ kinh nghiệm của các nước đã thoát bẫy thu nhập trung bình, ông nhấn mạnh cốt lõi nằm ở việc chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang kinh tế dựa vào các ngành công nghiệp. Trong đó, Hàn Quốc là một điển hình với kỳ tích thoát “bẫy” chỉ trong 27 năm.
“5 con hổ châu Á đều từng ở trong thời điểm như Việt Nam hiện nay”, ông nói và cho biết yếu tố là ở việc những quốc gia này đã bắt kịp công nghệ.
“Quan điểm của tôi hơi khác với người lạc quan. Chúng ta cần bắt kịp công nghệ trước khi chuyển sang phát triển, tạo ra công nghệ. Không thể nhảy từ 2.0 lên 4.0 được. Nếu 95% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, trình độ công nghệ cơ bản là khoảng 2.0 – 3.0, phần nhiều là 2.5 thì nếu không bắt kịp sẽ không thể nói đến chuyển nhảy vọt”, ông nói.
Bên cạnh đó, nhìn nhận cuộc chơi ở góc độ “trên mặt đất” – theo cách gọi của ông Duy, top 20 công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế giá trị nhất toàn cầu về 4.0 đều đến từ các quốc gia như Mỹ, Hàn, Nhật, Trung Quốc, Canada – vốn có nhiều năm tích luỹ công nghệ, sở hữu nhiều viện, đại học chất lượng… chứ không phải là những nước có dân số đông, nhiều tiền.