Nhà đầu tư không ngừng “săn” bất động sản công nghiệp và hậu cần

Nhà đầu tư không ngừng "săn" bất động sản công nghiệp và hậu cần

Thị trường BĐS công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới khi mà các NĐT không ngừng tìm kiếm các tài sản công nghiệp và hậu cần. Đặc biệt, việc thiếu hụt những tài sản công nghệ cao, không gian kho bãi hiện đại và nhu cầu mạnh mẽ từ những doanh nghiệp trong khu vực đang thúc đẩy tiềm năng của thị trường này.

Theo JLL Việt Nam, thị trường BĐS khu công nghiệp phía Nam, bao gồm các tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An, trong quý 2/2019 đạt tổng diện tích đất cho thuê là 25.060 ha, cao gấp 2,5 lần so với miền Bắc. Nhu cầu thuê tăng mạnh nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang leo thang đã đẩy giá thuê đất trung bình tại thị trường phía nam trong quý 2/2019 lên mức 95 USD mỗi m2 cho chu kỳ thuê, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ -Trung BĐS công nghiệp dự báo sẽ là lĩnh vực hấp dẫn nhất trong những tháng cuối năm 2019. Trong đó, Việt Nam được hưởng lợi bởi các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp hơn.

Lý do Việt Nam các nhà sản xuất nước ngoài do đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định, và một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng nhanh. Thêm vào đó, các hiệp định thương mại tự do mới cũng mang lại ảnh hưởng tích cực cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Đại diện JLL Việt Nam từng cho biết, tại các tỉnh phía nam, các NĐT không ngừng tìm kiếm các tài sản công nghiệp và hậu cần, thông qua liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp địa phương hoặc mua lại quỹ đất và các BĐS đang hoạt động. Việc thiếu hụt những tài sản công nghệ cao, không gian kho bãi hiện đại và nhu cầu mạnh mẽ từ những doanh nghiệp trong khu vực đang thúc đẩy tiềm năng của thị trường BĐS công nghiệp.

Còn theo Savills Việt Nam, nguồn vốn đầu tư vào công nghiệp đang tăng lên rõ nét. Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 1.723 dự án mới đăng ký với tổng vốn đầu tư 7,41 tỉ USD. Phân khúc sản xuất thu hút 605 dự án, chiếm 71,2% FDI với 13,15 tỉ USD tăng 39,8% theo năm. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố thu hút đầu tư nhất, chiếm 26,3% và 16,7% tổng vốn FDI. Theo sau là Bình Dương chiếm 7,4% và Đồng Nai chiếm 6,7%. Nguồn vốn đầu tư từ Hongkong đầu tư chiếm 28,7% với 5,3 tỉ USD, theo sau là Hàn Quốc với 2,73 tỉ USD và Trung Quốc với 2,28 tỉ USD.

Theo Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, khu công nghiệp (IPs) và vùng kinh tế (EZs) thu hút gần 340 dự án FDI với tổng nguồn vốn gần 8,7 tỉ USD.

Theo Savills, tỉ lệ lấp đầy ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm đang tăng, số lượng các dự án tương lai dồi dào tạo điều kiện cho các NĐT nước ngoài gia tăng đầu tư. Thị trường công nghiệp đang thu hút sự chú ý, với các chủ đầu tư khu công nghiệp đang tích cực chuyển đổi các vùng nông nghiệp sang công nghiệp, đảm bảo nguồn cung mới.

Cũng theo đơn vị này, phân khúc BĐS công nghiệp Việt Nam đang phát triển trên đà tăng của nguồn vốn FDI gấp 10 lần trong suốt thập kỷ qua. Nguồn cung đất công nghiệp dồi dào đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất và tăng các lựa chọn thuê đối với cả nhà xưởng xây sẵn cho thuê (RBF) và nhà xưởng xây theo yêu cầu (BTS).

Tuy vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường BĐS công nghiệp. Việt Nam cần cẩn trọng lựa chọn các dự án sắp tới để tăng trưởng hơn trong giá trị chuỗi, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Lao động giá rẻ và các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thuế ưu đãi sẽ tiếp tục trở thành những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam. Tuy nhiên, tiếp tục chuyển đổi sang ngành công nghiệp giá trị cao Việt Nam phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng đầu tư.

TOP